VLOOKUP là một trong các hàm Excel hữu ích và được nhiều người dùng đến. Tuy nhiên để hiểu từ cơ bản đến đến biết cách dùng hàm VLOOLUP nâng cao thì không đơn giản.
Kienit sẽ chia sẻ cách sử dung VLOOKUP từ cơ bản đến nâng cao trong bài này và ở các bài tiếp theo. Mời các bạn theo dõi.
1/ Hàm VLOOKUP là gì?
Nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa và mục đích sử dụng là gì. Hàm VLOOKUP hiểu đơn giản là một hàm dò tìm dữ liệu trong Excel trong một phạm vi theo hang dọc (cột) và trả về kết quả tương ứng.
Nhiều bạn vẫn chưa phân biệt được hàm VLOOKUP và HLOOKUP, khi nào nên dùng và dùng như thế nào? Để dễ hiểu thì bạn để ý chữ cái đầu tiên, V là viết tắt của từ Vertical – hàng dọc và H là viết tắt của từ Horizontal – hàng ngang. Dựa vào đây bạn biết khi nào nên dùng VLOOKUP và khi nào nên dùng HLOOKUP.
Hàm Excel này có thể dùng độc lập hoặc là kết hợp với các hàm khác như hàm SUM hoặc hàm IF.
Hàm VLOOKUP dùng để làm gì? Hàm này được dùng để tra cứu thông tin trong một trường dữ liệu hoặc danh sách dựa vào thông tin có sẵn. Để hiểu rõ hơn cách sử dụng thì mời bạn xem tiếp phần công thức và các ví dụ sau đây.
2/ Cấu trúc hàm VLOOKUP trong Excel
=VLOOKUP(lookup_value,table_array,col_index_num,[range_lookup])
Trong đó:
- Lookup_value: Giá trị cần dò tìm, có thể điền giá trị trực tiếp hoặc tham chiếu tới một ô trên bảng tính.
- Table_array: Bảng giới hạn để dò tìm.
- Col_index_num: Số thứ tự của cột lấy dữ liệu trong bảng cần dò tìm, tính từ trái qua phải.
- Range_lookup: tìm kiếm chính xác hay tìm kiếm tương đối với bảng giới hạn, nếu bỏ qua thì mặc định là 1.
- Nếu Range_lookup = 1 (TRUE): dò tìm tương đối.
- Nếu Range_lookup = 0 (FALSE): dò tìm chính xác.
3/ Cách dùng hàm VLOOKUP qua ví dụ
Tìm kiếm tương đối
Ví dụ 1: Có 2 bảng A và B, trong đó bảng A là bảng thông tin điểm trung bình của từng học sinh còn B là bảng xếp loại học sinh dựa trên điểm trung bình. Dùng hàm VLOOKUP để tìm kiếm theo cột xếp loại học sinh.

Tại ô D4 nhập =VLOOKUP($C5,$G$5:$H$8,2,1) – đây là tìm tương đối. Bạn cần đặt dấu $ (nhấn F4) vào trước C5 để cố định cột C, chỉ thay đổi thứ tự tìm kiếm. Còn $G$5:$H$8 là cố định bảng, để VLOOKUP chỉ tìm kiếm trong bảng thông tin này.

Nếu như bạn tìm chính xác thì kết quả sẽ bị lỗi #N/A trong hàm VLOOKUP do không tìm thấy kết quả tương ứng trong bảng B.

Tìm kiếm tuyệt đối
Ví dụ 2: Trong ví dụ này có bảng nhân viên và bảng thông tin quê quán, trình độ. Dùng hàm VLOOKUP để tìm kiếm chính xác

=VLOOKUP($A4,$G$4:$I$9,2,0)

Cũng như ở trên, mình sẽ cố định cột A và cố định bảng cần tìm kiếm thông tin.Quê quán ở cột 2 thì điền số 2 và Trình độ ở cột 3 thì mình sẽ thay số 3. Giá trị 0 là mình tìm kiếm chính xác.
Tìm kiếm 2 sheet khác nhau
Ví dụ 3: Lấy ví dụ 2, ở đây mình sẽ đưa bảng thông tin qua sheet 2 và nhập công thức như sau:
=VLOOKUP($A4,Sheet2!$A$2:$C$7,2,0)

Bạn thấy đó, VLOOKUP vẫn sẽ tìm kiếm được thông tin ở 2 sheet khác nhau.
Sử dụng hàm VLOOKUP với ký tự đại diện
Giống như nhiều hàm Excel khác, VLOOKUP hỗ trợ bạn sử dụng ký tự thay thế như
- Dấu * để thay thế cho bất kì số lượng ký tự nào trong tham số lookup_value
- Dấu ? để thay thế cho 1 và chỉ 1 ký tự trong tham số lookup_value
Ví dụ 4: Ở đây mình có bảng ví dụ các sản phẩm, dùng VLOOKUP để tìm ra số lượng theo mã sản phẩm có ký tự cuối là AA
=VLOOKUP(“*AA”,A4:B8,2,0)

Ngoài ra nếu bạn muốn tìm mã sản phẩm có ký tự AA ở đầu thì bạn để “AA*” hoặc ký tự cần tìm nằm ở giữa thì bạn để “*AA*”.
4/ Một số lưu ý
VLOOKUP không thể trả về kết quả khi cột lấy kết quả nằm về phía bên trái của cột chứa dữ liệu cần tra cứu. Bạn kết hợp hàm Index và Match.
Hàm Excel này sẽ không biệt chữ thường và chữ hoa.
Khi tra cứu gần đúng, chú ý dữ liệu trong cột tra cứu cần được sắp xếp theo thứ tự tăng dần.
Hãy dùng dấu $ (nhấn F4) trước các cột và bảng cần tìm để giá trị không bị thay đổi.
Nếu trong Table_array, dữ liệu số đang để dưới dạng văn bản và Lookup_value lại là dạng số thì hàm VLOOKUP sẽ trả về lỗi #N/A. Bạn cần format lại giá trị cho phù hợp với VLOOKUP.
Nếu trong bảng giá trị có nhiều giá trị bị trùng thì hàm VLOOKUP sẽ trả về giá trị đầu tiên từ trên xuống.
5/ Một số lỗi thường gặp trong hàm VLOOKUP
Khi dùng VLOOKUP, bạn sẽ gặp một số lỗi sau đây:
Lỗi #N/A
Lỗi #N/A trong hàm VLOOKUP thường gặp khi hàm Excel không tìm thấy kết quả cần tra cứu. Cách giải quyết lúc này là dùng hàm IFERROR, bạn làm thông thức sau:
=IFERROR(VLOOKUP($A4,$G$4:$I$9,2,1),”Không tìm thấy”)

Lỗi #REF!
Lỗi này xảy ra khi số cột bạn chọn lớn hơn số cột trong bảng cần tìm kiếm. Như trong hình sau chỉ có 2 cột, mà mình lấy giá trị là 3.

Lỗi #VALUE!
Ngược lại với lỗi #REF trong hàm VLOOKUP thì lỗi #VALUE có nghĩa là bạn chọn giá trị nhỏ hơn 1 trong công thức.

Lỗi #NAME?
Nếu như giá trị bạn cần tìm không để trong dấu ngoặc kém thì sẽ bị lỗi #NAME. Như trong hình ảnh dưới đây là từ xòi không để trong dấu ngoặc kép.

VLOOKUP rất tiện dùng trong việc tìm kiếm dữ liệu. Trong một số trường hợp thì bạn cần phải kết hợp với các hàm Excel khác hoặc dùng hàm VLOOKUP nâng cao để giải quyết bài toán.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu cách dùng hàm VLOOKUP trong Excel. Cảm ơn các bạn đã tham khảo bài viết này.