Trong Excel có một công thức dùng để tìm kiếm ký tự trong chuỗi dùng phổ biến nhất là hàm SEARCH và FIND. Trong bài viết hôm nay, Kienit sẽ chia sẻ với các bạn về cách sử dụng hàm FIND – một hàm tìm kiếm chữ trong Excel cực kỳ phổ biến. Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.
1/ Hàm FIND trong Excel là gì?
Như đã giới thiệu sơ ở phần mở bài, hàm FIND dùng để tìm kiếm ký tự trong chuỗi và kết quả trả về là vị trí của một hoặc chuỗi ký tự con.
Là hàm Excel làm việc với chuỗi nên bạn có thể dùng hàm Excel tìm kiếm này kết hợp với các hàm LEN, hàm MID, LEFT hoặc RIGHT.
Cú pháp: =FIND(find_text, within_text, [start_num])
Trong đó:
Find_text: Là ký tự hoặc một văn bản muốn tìm kiếm vị trí.
Within_text: Là văn bản mà bạn muốn tìm kiếm vị trí của find_text trong đó.
[Start_num]: chỉ định vị trí bắt đầu tìm kiếm trong within_text.
Lưu ý:
Hàm FIND sẽ phân biệt chữ hoa với chữ thường, còn hàm SEARCH thì không. Nếu bạn tìm kiếm ký tự không có trong chuỗi, kết quả sẽ trả về là #VALUE.
Không hỗ trợ kết hợp với các ký tự đại diện (* hoặc ?), *find_text, find_text*, *find_text*…
Dùng [start_num] để bỏ qua số ký tự đầu và bắt đầu tại vị trí được chỉ định, nếu bỏ qua [start_num] thì mặc định sẽ =1
2/ Cách sử dụng hàm FIND
Trong phần hướng dẫn cách dùng qua các ví dụ này, mình sẽ đi từ cách dùng cơ bản đến việc kết hợp với các hàm Excel khác.
Dùng hàm FIND cơ bản
Ví dụ 1: Trong bảng dưới mình tìm kiếm các ký tự trong chuỗi theo từng trường hợp

=FIND(“Thắng”,A5): Tìm chuỗi ký tự Thắng. Hàm FIND thấy được chuỗi này và trả về kết quả ở vị trí 10, tính luôn cả khoảng trắng.
=FIND(“õ”,A6): Nếu như bạn tìm kiếm ký tự “o” thì hàm tìm kiếm sẽ báo lỗi #VALUE. Vì vậy mình sẽ tìm kiếm ký tự “õ” và được kết quả là ngay vị trí thứ 2
=FIND(“T”,A7): Cũng giống ví dụ ở trên, ở đây mình tìm kiếm ký tự “T”. Nếu bạn tìm kiếm “t” thì hàm FIND sẽ trả về kết quả là #VALUE vì không tìm thấy.
=FIND(“n”,A8,10): So với cú pháp hàm FIND trên, ở ví dụ này mình tìm ký tự “n” từ vị trí thứ 10 nên kết quả trả về là 13. Nếu không bắt đầu từ 10 thì kết quả trả về là 7.
Hàm FIND kết hợp với LEFT
Ví dụ 2: Trong hình ảnh sau đây, mình muốn tìm kiếm ký tự đầu tiên từ trái sang, đến dấu “-“. Do FIND sẽ tính luôn dấu gạch ngang nên mình phải – 1. Kết quả trả về là chuỗi “Trần”.
Công thức: =LEFT(A5,FIND(“-“,A5)-1)

Hàm FIND kết hợp với RIGHT
Ví dụ 3: Ngược lại với ví dụ trên, mình sẽ tìm các ký tự từ phải sang do đó mình sẽ kết hợp với hàm RIGHT. Mình sẽ cắt tìm từ dấu gạch ngang từ vị trí 10 qua phải. Kết quả trả về là “Tuấn Mạnh”.
Công thức: =RIGHT(A6,FIND(“-“,A6,10)-1)

Kết hợp với hàm MID
Ví dụ 4: Mình sẽ cắt chuỗi từ dấu gạch ngang ở vị trí 5 từ trái sang. Do mình muốn kết quả hiển thị sau dấu cách nên mình + 1 và cuối cùng là mình chọn 4 ký tự để cắt. Kết quả là chữ “Tuấn”.
Công thức: =MID(A7,FIND(“-“,A7)+1,4)

3/ Sửa lỗi #VALUE trong hàm FIND
Đây là lỗi bạn sẽ gặp thường xuyên khi sử dụng hàm FIND. Để tránh được 2 lỗi này, bạn cần hiểu rõ vì sao xảy ra và cách sửa lỗi #VALUE.
Không tìm thấy ký tự trong chuỗi
Như có nói ở phần lưu ý, khi bạn vô tình tìm kiếm ký tự không có trong chuỗi thì kết quả sẽ trả về là #VALUE. Khi thấy báo lỗi, bạn cần kiểm tra lại công thức hàm FIND xem đã nhập đúng chưa.

Lỗi [start_num] vượt quá ký tự trong dãy
Nếu như vị trí bạn muốn bắt đầu tìm kiếm ký tự vượt quá độ dài của chuỗi thì hàm sẽ báo lỗi #VALUE.

Bài xem thêm:
Hàm MID LEFT RIGHT trong Excel